7 Jul 2014

Email tiếp thị và spam mail: Đâu là ranh giới?



“Hàng ngày, tôi cũng như hàng triệu người khác là nạn nhân của spam mail – chính là rào cản đối với phương pháp tiếp thị qua email. Để tránh tạo thêm một spam mail nữa cho khách hàng, trước khi bắt tay vào xây dựng một email tiếp thị hiệu quả, tôi đã thử phác họa chân dung gã spam mail đáng ghét.”
Trương Thùy Dương
Chân dung gã mang tên spam mail
Với tôi, spam mail – gã có diện mạo như sau:
Tôi không quen gã.
Gã xuất hiện bất ngờ, không theo yêu cầu hay mong muốn của tôi, không được sự cho phép của tôi vì thế nội dung gã gửi đến tôi hoàn toàn không nằm trong mối quan tâm của tôi.
Tôi có thể nhận ra gã ngay vì gã cứ nhảy bụp vào hòm thư của tôi 1-2 lần 1 ngày với cùng một diện mạo và nội dung.
Tôi không thể hủy được (unsubscribe) những cú ”nhảy dù” không được chào đón của gã vào hộp thư của tôi.
Gã dùng những Font chữ lớn, in hoa như thể đang hét vào mặt tôi.
Gã chèn rất nhiều liên kết.
Đôi khi gã bịt mặt và giấu tên.
Gã gửi cho rất nhiều người, cũng có thể có cả bạn nữa.
Bạn có nhận ra gã không? Gã có làm phiền bạn như cách gã làm phiền tôi không?
Hinh 1
Cô nàng email của tôi
Càng ghét gã spam bao nhiêu thì tôi càng quyết tâm tìm hiểu để vẽ ra diện mạo một cô nàng email ngọt ngào và hữu ích. Cô nàng sẽ là cầu nối để tôi khởi tạo, duy trì và củng cố mối quan hệ với khách hàng.
Với tôi, Tiêu đề email chính là tấm mạng che mặt của cô. Nó phải đẹp đẽ, quyến rũ và huyền bí đến nỗi khách hàng không ngần ngại click ngay vào tiêu đề để mở ra bí ẩn đằng sau tấm mạng che mặt ấy. Một tiêu đề email sáng tạo, gợi mở và hiệu quả có thể làm tăng tỷ lệ đọc email lên 30-50% và giúp ích rất nhiều cho chiến dịch gửi email tiếp thị của tôi. Trong một ngày, khách hàng thường nhận được rất nhiều email quảng cáo, và hầu hết dựa vào tiêu đề email để quyết định có mở hay không.
Vì vậy, tiêu đề của email tất nhiên phải thể hiện được nội dung sản phẩm hay dịch vụ mà tôi cung cấp cũng như những điểm sẽ thu hút sự quan tâm của khách hàng ví dụ như chương trình siêu khuyến mại, dùng thử sản phẩm, hay sự kiện sắp diễn ra… Tiêu đề có thể dựa trên từ khóa, có thể mang tính bất ngờ, mang thông điệp về lợi ích, hay thông điệp dành cho cá nhân, hoặc được đưa dưới dạng câu hỏi … miễn sao phải khiến khách hàng thấy thích thú, quan tâm và tò mò như đứng trước một cô gái đẹp, chỉ muốn tiến đến hỏi tên, bắt chuyện hay buông đôi lời ong bướm.
 Hinh 6“Đẹp dịu dàng mà không chói lóa” là phong cách mà tôi lựa chọn cho cô nàng. Tôi tuyệt nhiên sẽ không dùng những font chữ lớn và in hoa mà tôi để cô ấy “nói” rất tự nhiên qua một font chữ đơn giản mà ấn tượng, một cỡ chữ vừa phải và dễ chịu để giữ ánh mắt khách hàng không rời khỏi cô nàng.
Để bắt đầu câu chuyện với khách hàng, cô nàng sẽ thân mật gọi tên họ. Đó chính là thủ thuật cá nhân hóa. Giữa một đám đông những người không quen biết, vẫn gọi nhau bằng những đại từ nhân xưng như anh/chị, ông/bà khiến bạn thấy mình ko khác gì ẩn số x hay y trong phương trình nhiều ẩn, thì việc cô nàng tiến đến, chào hỏi, gọi tên bạn sẽ khiến tâm hồn bạn có chút “xao xuyến”.Với cô ấy bạn sẽ là anh Tú, anh Bình chứ không phải là anh Y1 hay Y2.
Tôi đã gặp rất nhiều phụ nữ và hiểu ra rằng không ai thích nghe một cô gái trẻ “lắm điều” cả cho dù cô ấy có xinh đẹp thế nào. Tệ hơn là khách hàng hoàn toàn có thể nghĩ rằng cô gái này có họ hàng với gã spam kia và quyết định không đời nào “tiếp chuyện” cô nàng cả.
Hinh 3
Vì thế, khi xây dựng nội dung bức thư, tôi sẽ chỉ để cô nàng kể những câu chuyện thật ngắn gọn và súc tích, cốt sao trình bày được những lợi ích và giá trị mà chúng tôi dành cho khách hàng.
Việc chỉ đặt 1 số liên kết quan trọng tới website của chúng tôi như ví dụ trong hình cũng giúp nội dung của bức thư cô đọng, đồng thời lại lôi kéo và tăng lượng người truy cập vào website.
hinh 4Với nội dung cần truyền tải quá dài, tôi sẽ cô đọng nó vào dưới dạng 1 hình ảnh bắt mắt, giúp khách hàng dễ dàng ghi nhớ.
Hinh 5
Và trước khi tôi nhấn nút gửi cô nàng đi thì cả tôi và khách hàng đều hiểu rằng cô nàng được gửi đến họ dựa trên nhu cầu và mối quan tâm của họ và họ hoàn toàn có thể hủy (unsubscribe) đăng ký nhận email của chúng tôi. Bởi khi không còn phù hợp nữa thì “chia tay” dù sao cũng giúp cho đôi bên đỡ “đau khổ” hơn, và việc khách hàng nói lời chia tay với nàng vẫn còn tốt hơn là họ coi nàng là Spam, nàng sẽ chẳng còn bao giờ có cơ hội xuất hiện trong hộp thư của họ nữa.
 Cho dù người ta vẫn nói với tôi rằng spam mail và số lượng email mỗi ngày tăng vọt sẽ giết chết chiến lược tiếp thị bằng email thì tôi vẫn tin email là hoạt động trực tuyến phổ biến nhất của mọi người khi sử dụng Internet. Và ngày càng có nhiều người có thể nhận email trên điện thoại di động hay PDA, nên cơ hội thành công cho các chiến lược tiếp thị email sáng tạo sẽ tiếp tục được mở ra không ngừng, chỉ cần chúng ta vượt qua những rào cản do spam mail tạo ra bằng cách nỗ lực và dành nhiều thời gian để sáng tạo ra những cách thức mới giúp “cô nàng email” của ta luôn được chú ý và mở ra.
 Nguồn: Tạp chí CRM

No comments:

Post a Comment